Thương mại điện tử Việt Nam: Mua hàng qua mạng, thanh toán thủ công
Hơn 90% giao dịch mua hàng qua mạng tại Việt Nam được thanh toán bằng tiền mặt, theo báo cáo tại Hội thảo Quốc tế thương mại điện tử Việt Nam (VIES 2010), diễn ra ngày 16/12/2010 tại TP.HCM.
Tại hội thảo, TS.Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT, Bộ Công Thương Việt Nam, đánh giá TMĐT Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010 đã có sự phát triển mạnh về chất, đặc biệt trong khối các doanh nghiệp. Kết quả điều tra của Bộ với 2.004 doanh nghiệp trên cả nước trong năm 2009 cho thấy, gần như 100% doanh nghiệp đã triển khai ứng dụng TMĐT. Dịch vụ trực tuyến công có những bước phát triển tích cực, nhiều cơ sở đào tạo đã áp dụng đào tạo trực tuyến (e-learning)…
Tuy nhiên, bức tranh TMĐT Việt Nam không chỉ có màu sáng. “Trong tổng số 2.004 doanh nghiệp tham gia trả lời phiếu điều tra chỉ có 12% tham gia sàn giao dịch TMĐT. Tỷ lệ này không đổi so với năm 2008 sau ba năm tăng đều đặn”, ông Quyền cho biết. Nguyên nhân được nêu trong báo cáo là tỷ lệ các địa phương khác ngoài TP.HCM và Hà Nội năm nay cao hơn năm trước (chiếm 53% số lượng doanh nghiệp cuộc khảo sát năm nay). Bên cạnh đó, đà tăng trưởng của các sàn giao dịch TMĐT có phần chững lại do việc tham gia sàn của các doanh nghiệp trong những năm qua không thực sự đem lại hiệu quả.
Đáng chú ý là mặc dù giao dịch qua mạng nhưng người Việt Nam vẫn giữ thói quen thanh toán bẳng tiền mặt (chiếm 90,8% giao dịch) - Số liệu từ Báo cáo “Phân tích thói quen và đặc điểm mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng Việt Nam” do ông Xavier Depouilly – Giám đốc phát triển kinh doanh và dịch vụ khách hàng Kanta Media Vietnam trình bày. Theo báo cáo này, có hơn 27% dân số Việt Nam truy cập Internet, riêng khu vực đô thị tỷ lệ này vượt 50%, nhưng chỉ có 5% từng mua hàng trực tuyến.
Báo cáo của Bộ Công Thương chỉ rõ tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sàn giao dịch TMĐT chỉ bằng khoảng 1/3 so với tỷ lệ doanh nghiệp lớn tham gia, do đó các tổ chức quản lý sàn TMĐT cần tích cực khai thác khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngược lại các doanh nghiện này cũng cần chủ động tham gia sàn giao dịch TMĐT để mở rộng cơ hội kinh doanh hơn nữa.
Kinh nghiệm từ các nước khác
Cục xúc tiến CNTT Hàn Quốc (NIPA) cho biết, trong giai đoạn 2006 – 2010, TMĐT nước này phát triển nhanh, mang lại nhiều giá trị thặng dư cho các doanh nghiệp. Nhằm hỗ trợ phát triển TMĐT, Hàn Quốc đã đưa ra những chính sách, điều luật cho lĩnh vực này từ năm 1997. NIPA được thành lập vào năm 2009 cũng là nhằm hỗ trợ và thúc đẩy TMĐT Hàn Quốc phát triển.
Theo báo cáo Khảo sát Thương mại điện tử Singapore 2009 - 2010 của Hiệp hội TMĐT Singapore (eCAS), hơn một nửa số người trả lời (54%) cho biết, doanh thu liên quan đến các tài khoản TMĐT ít hơn 10% doanh thu tổng thể của họ. Lý do là ngân sách và kiến thức giới hạn, họ phải đối mặt với những thách thức trong quá trình thực hiện hoặc tăng cường sự hiện diện trực tuyến. Khảo sát được tiến hành với các doanh nghiệp nhỏ, dưới 10 nhân viên (60%) và thu nhập dưới 1 triệu đô la Singapore, khoảng 15 tỷ đồng (54%).
Theo eCAS, phương thức B2B (giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) không phải là phổ biến. Có ít hơn 20% số doanh nghiệp sử dụng TMĐT hình thức B2B.
Hầu hết người tham gia khảo sát này cho rằng mức độ TMĐT tổng thể của Singapore là tốt (44%), chỉ một số ít phản đối (4%). Tuy nhiên các doanh nghiệp Singapore không hài lòng với mức kinh doanh TMĐT riêng của họ, chỉ có 26% cảm thấy tốt, trong khi tỉ lệ cho rằng không tốt cũng tương tự (21%). Đây là điều khá ngạc nhiên vì hạ tầng phát triển TMĐT ở Singapore được đánh giá là tốt.
Ông Rocky Ton - Phó Chủ tịch HĐQT Ban tổ chức VIES 2010, cho rằng TMĐT Trung Quốc phát triển chính là cơ hội đối với các doanh nghiệp Việt Nam, bởi hai nước gần nhau, có nhiều nét tương đồng về văn hóa. Theo ông, TMĐT ở Trung Quốc có những giai đoạn phát triển rất rõ ràng:
1997-1999: Nảy mầm - 8848, Alibaba, eBay thiết lập website TMĐT.
2000-2002: Thời kỳ ngưng trệ, nhiều website bị chết.
2003-2004: Phục hồi và tăng trở lại. Ứng dụng TMĐT gia tăng đáng kể
2006-2007: Tăng trưởng và phát triển tốc độ cao. Riêng năm 2007, các loại website TMĐT chiếm hơn 30% tổng số các trang web hiện có.
2008-2010: Bùng nổ. Các nhà sản xuất truyền thống tham gia các mô hình TMĐT: B2B, B2C, C2C. Giai đoạn này tạo ra số website TMĐT chiếm hơn 22% tổng số website hiện có. Năm 2009, mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc có 108 triệu người dùng, tăng 45,9%.
Ông Rocky Ton dẫn số liệu của Báo cáo của Deutsche Bank 2010: Tổng số người dùng cá nhân vào năm 2014 đạt con số 812 triệu. Một thị trường lớn như vậy liệu có đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp Việt Nam?
Pcworld VN