Hãy cứ viết đi, hỡi những người đam mê viết lách!

Thế giới này không cần một J. K. Rowling hay J. R. R. Tolkien khác; thế giới này cần bạn. Đừng so sánh bạn với những người khác. Hãy cứ viết đi, và viết như bạn vậy đó.

Có những câu chuyện được xuất bản thành những cuốn sách, và có những câu chuyện chưa bao giờ được xuất bản. Có những câu chuyện mà số lượng người đọc còn lớn hơn dân số Kansas (2,191 triệu người sống ở Kansas theo một cuộc điều tra vào năm 2015) và có những câu chuyện chỉ có một độc giả duy nhất, chính là bạn. Đừng so sánh bạn với những nhà văn khác.

Cũng có những câu chuyện chưa bao giờ được viết. Những câu chuyện mà chỉ có bạn mới có thể kể ra.

Dù hư cấu hay phi hư cấu, câu chuyện mà bạn viết đều là duy nhất với những trải nghiệm và khả năng sáng tạo của bạn. Nhưng nếu so sánh mình với những người khác thì có thể, bạn sẽ không bao giờ viết chúng ra được.

Có người đã từng viết một cuốn tự truyện về bố của mình. Cuốn sách có lẽ đã đạt được nhiều đánh giá 5 sao và nằm trong danh sách bán chạy nhất của tờ New York Times. Thế nên, “tại sao bạn lại không viết ra câu chuyện về bố của bạn?” hay do bạn nghĩ rằng “nó đã được viết rồi”. Bạn đã mắc sai lầm lớn.

Sẽ không ai biết câu chuyện của bạn, trừ khi bạn viết nó ra

Cuốn tự truyện về một người bố đã được viết, nhưng câu chuyện về bố của bạn thì chưa có ai viết ra cả.

Năm tôi 12 tuổi, tôi vẫn chưa đủ lớn để trông trẻ hộ nên không thể kiếm thêm bất cứ khoản tiền nào bằng việc nhận trông trẻ con trong làng. Thế nên, bố bảo sẽ cho tôi một ít tiền nếu tôi lột được da của những con thú mà bố đã bẫy. Câu chuyện này chưa bao giờ được kể cho tới khi tôi viết.

SO SÁNH NHỮNG GÌ BẠN VIẾT RA VỚI SẢN PHẨM CỦA NHỮNG NHÀ VĂN KHÁC LÀ ĐIỀU CỰC KỲ NGUY HIỂM

Sự nguy hiểm của việc so sánh bài viết của bạn với những nhà văn khác chính là nó có thể sẽ ngăn bạn viết ra câu chuyện của riêng bạn.

Giá trị của một câu chuyện không nằm ở việc có bao nhiêu người đã đọc được câu chuyện đó. Trước khi cuốn Harry Potter và Hòn đá phù thủy được xuất bản vào ngày 26 tháng 6 năm 1997 – ngày mà J.K. Rowling tìm được một nhà xuất bản chấp nhận bản thảo của bà – trước khi câu chuyện được viết ra – nó vẫn chỉ là ý tưởng cho câu chuyện về một cậu bé học trường phù thủy.

Bản thảo Harry Potter và Hòn đá phù thủy là một câu chuyện hay chỉ khi J.K Rowling đọc nó.

Liệu rằng Rowling có so sánh nhân vật của bà với Frodo Baggis trong Chúa tể của những chiếc nhẫn không? Liệu rằng bà có so sánh tác phẩm của mình với J.R.R. Tolkien và cảm thấy những gì mình viết ra chẳng có gì thú vị? “Câu chuyện này sẽ không bao giờ được bán. Vậy tại sao tôi lại phải băn khoăn khi viết nó ra?

Nếu Rowling không viết ra câu chuyện của bà, nếu bà đã từ bỏ ở lần thứ 11 khi tiếp tục nhận được thông báo từ chối xuất bản thì chúng ta sẽ không thể nào biết tới Harry Potter được.

Tôi biết chứ, những cuốn sách về Harry Potter đã bán được hàng triệu cuốn, và không phải mọi câu chuyện được viết ra đều sẽ có được thành công như Harry Potter hay Chúa tể của những chiếc nhẫn.

Tuy nhiên, luôn có cơ hội cho một anh hùng khác.

Và tại sao đó không phải là người anh hùng mà bạn sẽ tạo ra?

Thế giới này không cần một J.K. Rowling hay J.R.R. Tolkien khác; thế giới này cần bạn. Đừng so sánh bạn với những người khác. Hãy cứ viết đi, và viết như bạn vậy đó.

Luôn có chỗ cho những anh hùng khác. Thế giới này cần những câu chuyện của bạn.

TẤT CẢ CÁC NHÀ VĂN ĐỀU BẮT ĐẦU TỪ MỘT NƠI NÀO ĐÓ

Một đứa trẻ tập đi không thể đi nhanh như Hicham El Guerrouj được. Anh ấy đã đi và chạy trong khoảng 25 năm 7 ngày khi anh phá kỷ lục thế giới ở phút thứ 3:43.13 vào năm 1999.

Một nhà văn bắt đầu viết sẽ không viết hay được như Stephen King – người mà đã xuất bản được số tiểu thuyết nhiều hơn số bang (50 bang) ở Mỹ.

Một đứa trẻ lớn lên, bò và sau đó đi từng bước một. Và sau những bước loạng choạng đầu tiên, nó sẽ đi bộ và sau đó là chạy. Nó sẽ ngã rất nhiều lần khi đang tập đi.

Nhà văn sẽ bắt đầu với từ ngữ, tiếp đến là câu, đoạn văn và sau đó có bản nháp đầu tiên. Và sau bản nháp này là quá trình chỉnh sửa. Đứa trẻ sẽ ngã khi học đi và nhà văn sẽ viết những bản nháp đầu tiên trong khi hoàn thành câu chuyện.

Đừng so sánh bản thân bạn với những người khác.

Người duy nhất bạn có thể so sánh những bài viết của mình đó là chính bạn.

Câu mà bạn viết sáng nay có hay hơn câu mà bạn viết hôm qua không?

Bạn đã từng so sánh bài viết của mình với một nhà văn khác chưa? Nó có khiến bạn từ bỏ viết lách không? Hãy chia sẻ cho tôi biết.

Hãy so sánh bài của mình ngày hôm nay so với ngày hôm qua chứ đừng so sánh bài của mình với bài của người khác

LUYỆN TẬP

Ngày hôm nay là để luyện tập, tôi muốn bạn so sánh bài viết của bạn. Tôi muốn bạn so sánh bài bạn đã viết với thứ mà bạn đã viết trước đây.

Đầu tiên, hãy chọn một thứ bạn đã viết, có thể là một phần trong bài văn bạn đang viết mà đã bắt đầu viết cách đây vài tháng, một câu chuyện mà bạn đã không xem lại sau một thời gian hay một bài báo nào đó bạn đang viết dở. Đoạn nào đó càng lâu càng tốt.

Giờ hãy dành 15 phút viết lại nó. Bây giờ, bạn sẽ kể câu chuyện đó như thế nào? Bạn tiếp cận với ý tưởng cũ đó như thế nào? Bạn có thấy điều gì khác lạ không?

Viết lách là một hành trình rất dài và bạn sẽ chẳng bao giờ có thể nói mình thành công được.

Nếu bạn dùng ngôn từ diễn tả được nhân vật của mình thì có thể với bạn là đã thành công, nhưng xét ở vị trí độc giả, chỉ khi nào họ “vẽ” ra được hình ảnh nhân vật của bạn trong đầu, biết bạn đang muốn truyền tải thông điệp gì và cảm nhận được cảm xúc thực sự thì họ mới chứng thực cho thành công ấy của bạn. Thậm chí, mỗi người còn có một cách nhìn, đánh giá và quan điểm khác nhau về thế nào là một bài viết hay, một bài viết dở.

Thế nên, đừng so sánh những gì bạn đã viết ra với công trình của người khác. Hãy là một người học hỏi, kiên trì viết mỗi ngày, viết những điều bạn thích và viết với một niềm đam mê thực sự.Không ai có thể giành giật câu chuyện của bạn cả.

>>> Xem thêm: Hãy để niềm đam mê viết lách mang lại nguồn thu nhập cho bạn!

Nguồn: isach.net