Chuyển tiền trước, nhận hàng sau - trò lừa dễ 'dính' khi mua online

Lời căn dặn "Đồng tiền đi liền khúc ruột" bỗng dưng không còn tác dụng khi người cần mua gặp kẻ rao bán hàng giá hời trên mạng, khiến họ không ngần ngại chuyển hàng triệu đồng qua tài khoản ATM và càng chờ càng mất hút.

Trong năm 2008, VnExpress.net ghi nhận hàng chục trường hợp than phiền vì rơi vào tình cảnh bị lừa chuyển tiền khi mua hàng kỹ thuật số trên những trang web rao vặt. Anh Hưng, một kỹ thuật viên CNTT tại TP HCM, cho biết vì thấy máy ảnh Canon họ rao rẻ hơn 20% so với giá thị trường vì xách tay ở Nhật về nên đã chuyển 2,7 triệu đồng vào tài khoản cho người bán. Cuối cùng, hàng thì không thấy đâu, tiền thì không biết cách nào lấy lại được.

Đây là trò lừa rất phổ biến mà sau này khi vào diễn đàn 5 giây, anh Hưng mới phát hiện ra còn có nhiều người "đồng cảnh ngộ" với mình. "Nạn nhân" từ Hà Nội cho đến TP HCM đều rơi vào bẫy của một người tự xưng là Trần Minh Tuấn chuyên bán máy ảnh số cao cấp. Người này cho nick chat là camera_japan123 và hàng loạt số điện thoại liên lạc như 0907845712, 01223372443..., kèm theo một báo giá rất "mềm". Nhưng khi nhận cuộc gọi đặt hàng, người này nói đang ở ở tỉnh xa xôi như Cà Mau hoặc Kiên Giang (địa chỉ hay được nhắc tới là 25 đường Nguyễn Văn Cừ) và yêu cầu chuyển 50% số tiền trước để đi nhập hàng. Các số tài khoản người này dùng ở nhiều ngân hàng khác nhau, ví dụ Ngân hàng Đông Á: 0101795344, Vietcombank: 0251001759333, Agribank: 1604011717854/ 1604205079691, VIBank: 627704060040084, Sài Gòn Công thương: 546Q100554, ACB: 4214943510214682...

"Ở các diễn đàn quen, nhiều khi chúng tôi vẫn chuyển tiền trước cho người bán rồi nhận hàng sau, nhất là mặt hàng xách tay từ nước ngoài về vì người bán cũng mất chi phí đi lại", anh Long, một thành viên của forum muare, cho biết. "Chính vì thế, một số kẻ đã lợi dụng người non nớt để trục lợi".

Chị Thương, sinh năm 1961 ở Nha Trang, đã trúng khi tham gia đấu giá điện thoại Nokia 6600 Slide của một cửa hàng mới khai trương trên Chợ điện tử với giá 3.651.000 đồng. Chủ cửa hàng Đặng Tiến Minh (ghi địa chỉ ở 250 Hùng Vương quận Hải Châu, Đà Nẵng, điện thoại số 01665148748) đã gọi điện chúc mừng chị và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản Phan Thái Toàn số 0103049142 tại ngân hàng Đông Á. Nhưng sau đó, chị Thương chỉ nhận được giấy lĩnh bưu phẩm điện thoại Nokia 1200 ghi sai tên nên cũng không nhận được hàng. Các số điện thoại liên hệ trước đó đều không nhấc máy.

"Khi giao dịch, người mua cần cẩn trọng chú ý đến các tính năng mà chúng tôi cung cấp như đánh giá độ uy tín của cửa hàng", ông Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Chợ điện tử, cho biết. "Nếu thấy họ chưa có điểm uy tín nào như trường hợp Đặng Tiến Minh này thì không nên trao tiền trực tiếp. Ngoài ra, trang web có chức năng giúp người mua giao tiền cho Chợ điện tử giữ hộ hoàn toàn miễn phí. Thời gian xác nhận, chuyển tiền và chuyển hàng sẽ lâu hơn nhưng đảm bảo an toàn cho cả người mua lẫn người bán".

Nhiều trường hợp người mua sau khi chat qua mạng cũng gặp mặt cả đối tượng bán mà vẫn "sập bẫy". Phamquockhanh trên diễn đàn 5 giây chia sẻ: "Tôi ra chỗ hẹn thì gặp một thằng nhóc mặc áo học sinh đi xe đạp. Tôi đã đưa tiền cọc cho nó, nó hẹn 5 giờ 30 hoặc 6 giờ sẽ quay lại giao hàng cho tôi. Qua 6 giờ, tôi không thấy nó đến và gọi điện rất nhiều lần, nhưng nó không nghe máy. Lắp ráp các thông tin lại thì tôi phát hiện ra một điều: Già cái đầu mà để thằng nhóc con nó lừa".

Các nạn nhân dù "căm" nhưng vì bận việc hay mới chuyển 1-2 triệu đồng nên đành tặc lưỡi cho đó là "học phí" mà không trình báo công an. Điều này khiến kẻ lừa đảo vẫn nhởn nhơ và số người bị lừa gia tăng vì "không cái dại nào giống cái dại nào".