Công nghiệp phần mềm đối mặt với sự sống còn

 

Những dự báo ảm đạm liên quan đến ngành Công nghiệp phần mềm ở nước ta tiếp tục đưa đưa ra trong thời gian tới. Nguyên nhân chính dẫn đến sự suy sụp đến chóng mặt của ngành kinh tế non trẻ vốn được kỳ vọng chính là cơn bão suy thoái kinh tế trên toàn cầu.

Suy giảm với tốc độ chóng mặt

Trong 5 năm trở lại đây, Công nghệ phần mềm (CNPM) Việt Nam được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn bởi có tốc độ phát triển cao luôn trên 30%/năm (trong đó, tỷ trọng xuất khẩu chiếm tới 40% doanh thu toàn ngành)

Năm 2007, ngành phần mềm nước ta vượt qua cột mốc 500 triệu USD doanh thu, đạt qui mô đủ lớn để mở ra triển vọng tăng tốc cất cánh. Năm 2008, đội ngũ nhân lực phần mềm đã đạt gần 50 nghìn người, thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên được quốc tế xếp hạng 4 trong 50 thành phố mới nổi hấp dẫn nhất về gia công phần mềm thế giới.

Chính phủ đặt kỳ vọng lớn lao về sự cất cánh của ngành CNPM.

Thế nhưng, sự suy thoái đột ngột của nền kinh tế toàn cầu đã làm ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp còn non trẻ này. Các doanh nghiệp trong nước chưa kịp ghi dấu ấn đủ mạnh với khách hàng quốc tế thì thị trường giới đã bị thu hẹp với tốc độ chóng mặt, nhiều hợp đồng xuất khẩu bị cắt giảm, nhiều đơn hàng sắp ký bị dừng lại vô thời hạn, nhiều hợp đồng đang dở bị hoãn, hủy. Có cả những trường hợp hợp đồng đã hoàn thành nhưng khách hàng đã phá sản, doanh nghiệp nước ta đành chịu tổn thất.

Cùng lúc này, các doanh nghiệp phần mềm Đông Âu với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ, dẫn đầu là Rumani, Hungari, Ba Lan, CH Séc,… đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường Châu Âu nhờ lợi thế về địa lý và gần gũi văn hóa. DN Trung Quốc giảm giá để giữ khách hàng Nhật, DN Ấn Độ tăng cường hiệu quả với thị trường Mĩ và Anh. Hơn nữa, nhiều đối thủ trực tiếp không chỉ tranh giành về giá (điểm mạnh có thể coi là duy nhất của doanh nghiệp xuất khẩu VN) mà còn lấn chiếm chính sân nhà ở Việt Nam.

Thị trường CNPM trong nước cũng gặp khó khăn không kém. Đầu tư cho CNTT là khoản cắt giảm đầu tiên của nhiều doan nghiệp gặp khó khăn, thậm chí chưa rơi vào cơn suy thoái.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (Vinasa), các DN phần mềm đang đứng trước thử thách sống còn.

Ước tính của Vinasa cho thấy, kể từ 2008, mức tăng trưởng của ngành công nghiệp này đã giảm xuống còn khoảng 20% (ước tính doanh số 2008 là 600 triệu đô la Mĩ, năm 2007 là 498 triệu) và năm 2009 thì hiện nay chưa thể dự đoán được. Nếu bi quan có thể nói đến không tăng trưởng, hoặc tối đa 10% so với năm 2008. Những con số này được nhìn nhận từ những dự án bị hủy bỏ, những khách hàng đột nhiên biến mất của thị trưởng xuất khẩu, những mục tiêu tăng trưởng của các doanh nghiệp hội viên đã 2-3 lần thay đổi theo chiều hướng giảm.

“Trước đây 6 tháng, nhiều DN khi có bất kỳ hồ sơ nhân sự nào cũng nhận theo phương châm để đào tạo dần còn hơn là không có. Nhưng nay thì mọi việc ngược lại, DN lại phải tìm cách thải bớt vì thiếu việc”- ông Bình cho hay.

Điều đáng lo ngại là trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang khó khăn về thị trường, về vốn, về đối tác,… thì ở một số nước đang phát triển, ngành phần mềm vẫn tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2008. Trung Quốc tăng trưởng 29,8% đạt doanh số khoảng 110,8 tỷ USD trong năm 2008, Ấn Độ tăng 24,4% và đạt 52 tỷ USD.

Muốn tồn tại buộc phải thay đổi

Đứng trước khó khăn sống còn hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành buộc phải tìm ra giải pháp để vượt qua, theo ý kiến của nhiều chuyên gia.

Các nhà phân tích đưa ra lời khuyên, doanh nghiệp cần có những phương án tích cực để thu hút và gianh lại thị phần như: Tiếp tục hạ thấp giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm cũng như kỹ năng của nhân lực, Tăng cường đầu tư... phát triển thị trường

Tuy nhiên, tất cả những điểm trên lại một lần nữa bắt buộc doanh nghiệp phải tăng đầu tư cả về tiền bạc và sức lực.

Theo ông Bình, hiện các DN phần mềm vẫn được hưởng chính đãi về thuế trong các năm trước. Nhưng nếu DN không không đủ nội lực để cạnh tranh với thị trường thì khó thể vượt qua cơn khủng hoảng hiện nay.

Phía Vinasa cho biết đã chủ động đề ra kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua các khó khăn trong năm 2009. Trong đó, ưu tiên số 1 được tập trung vào các chương trình giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường.

Một số kiến nghị cụ thể về chính sách thuế, về chính sách với các DN hoạt động trong lĩnh vực nội dung số đã được đề xuất. Hiện nay Vinasa đang phối hợp cùng Công ty nghiên cứu dữ liệu quốc tế IDC tiến hành khảo sát toàn diện ngành phần mềm, từ đó phát hiện những khó khăn, hạn chế của ngành và đưa ra các đề xuất, giải pháp với Chính phủ. Chương trình dự kiến đến tháng 8/2009 sẽ hoàn thành.

(Theo Dân trí)