Các khái niệm web đang lạc hậu
Nhiều người cảm thấy khó chịu khi phải bấm vào biểu tượng refresh (tải lại) trên trình duyệt để cập nhật các thông tin mới hay không thể truy cập trang web họ yêu thích qua điện thoại di động.
Trước những thay đổi về công nghệ và cách thức sử dụng, các chuyên gia thiết kế và phát triển cần thay đổi một số thói quen khi xây dựng web.
1. Phím Refresh
Hiện nay, nhiều website và blog cá nhân không được trang bị chức năng tự động tải lại thông tin, khiến người đọc không thể biết trang đó có thêm thông tin gì mới nếu quên nhấn nút Refresh.
Hình thức auto-refresh vài phút một lần phổ biến trên các trang tin tức cũng không được đánh giá cao, thậm chí có người phải tắt tính năng này khi cần tập trung đọc bài viết dài. Website kiểu mới nên có khả năng cập nhật dữ liệu tự động theo từng phần, tức chỉ thay đổi ở vị trí được update mà không cần tải lại toàn bộ trang web.
2. Phím Save
Người sử dụng vẫn thường bấm nút "Save" (lưu lại) để tránh rủi ro như mất điện, bị ngắt kết nối đột ngột khiến nội dung mà họ vừa nhập trên ứng dụng hay website biến mất. Tuy nhiên, một số chương trình như OneNote hay Evernote không hề có phím này, đơn giản vì chúng tự lưu mọi thông tin mà người dùng nhập vào theo thời gian thực. Đây cũng là điểm nổi trội của Google Docs so với Microsoft Office.
3. Không quan tâm đến web di động
Nhiều trang web đẹp và hữu ích nhưng không thể hoạt động trên điện thoại và các thiết bị cầm tay như đầu máy chơi game. Trong khi thế giới đang được "di động hóa", đa số các site lại không có khả năng nhận ra rằng chúng đang được truy cập từ một trình duyệt mobile để có thể tự động chuyển sang phiên bản tương thích với màn hình nhỏ và tiêu tốn ít băng thông hơn.
4. Bắt xem quảng cáo trước khi vào site
Một số trang web còn bắt độc giả phải đợi 30 giây để chiếu quảng cáo trước khi hiển thị nội dung chính hoặc xen lẫn đoạn tiếp thị sản phẩm trong video. Các site cần kiếm tiền để duy trì hoạt động nhưng áp dụng hình thức quảng bá trên TV vào môi trường web không phải là giải pháp hợp lý.
Châu An (theo CNet)