Xây dựng nội dung website, năng lực viết lách liệu đã đủ?
Ngày nay, website đã trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực không thể thiếu trong các hoạt động tiếp thị, truyền thông và bán hàng của doanh nghiệp. Theo khảo sát về ngân sách tiếp thị ở các công ty B2B tại Mỹ trong 2009 do eMarketer thực hiện, 47% trả lời là sẽ tăng ngân sách đầu tư cho website công ty. Đây quả là một con số không nhỏ! Con số này khẳng định rằng website cũng là một công cụ tiếp thị và bán hàng có tầm quan trọng như quảng cáo, xúc tiến thương mại, kích hoạt thương hiệu hay quan hệ cộng đồng…
Để tạo một mẫu quảng cáo hay, cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ý tưởng chủ đạo và nội dung lời quảng cáo. Và website cũng không là ngoại lệ! Ta có thể ví ý tưởng chủ đạo trong quảng cáo như ý tưởng thiết kế chủ đạo và nội dung lời quảng cáo như nội dung website. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ bàn về vấn đề chính và cốt lõi của một website - nội dung!
Vậy thế nào là một nội dung hay? Chữ “hay” ở đây có thể được hiểu và diễn giải theo nhiều nghĩa khác nhau. Ta có thể liên tưởng ngay tới lời lẽ bóng bẩy, mượt mà hay thông tin được giới thiệu đầy đủ? Một lời quảng cáo hay đánh trúng tâm lý và những vấn đề khách hàng đang gặp phải, kế đó truyền tải được những lợi ích lý tính và cảm tính cho khách hàng. Vậy một nội dung website hay, đầu tiên phải cho khách hàng thấy được là bạn hiểu được khách hàng đang gặp phải vấn đề gì và chứng tỏ cho họ thấy bạn có đủ khả năng và năng lực mang lại giải pháp cho họ.
Bạn hiểu khách hàng tới đâu?
Rất nhiều website mắc phải một lỗi cố hữu là chưa đề cập tới khách hàng của mình là ai, họ như thế nào, gặp phải vấn đề gì mà chỉ chăm chăm giới thiệu về bản thân doanh nghiệp là gì? Sản phẩm hay dịch vụ là gì? Không ít website chỉ là nơi tập hợp thông tin sản phẩm, dịch vụ từ nhiều phòng ban và nhiều nguồn khác nhau. Trước khi bắt tay vào viết nội dung, cần phải có nghiên cứu, tìm hiểu xem đối tượng khách hàng bạn là ai, họ đang gặp phải vấn đề gì, phong cách lối sống họ thế nào… Điều này có vô ích? Hoàn toàn không, chỉ có vậy, bạn mới nói cho khách hàng biết bạn hiểu họ có mong muốn gì bằng chính ngôn ngữ của họ.
Bạn có đủ năng lực mang lại giải pháp cho khách hàng?
Nếu khách hàng không thấy được bạn có khả năng giải quyết vấn đề họ đang gặp phải hay đáp ứng một nhu cầu nào đó, có thể bạn sẽ mất đi một lượng lớn khách hàng tiềm năng. Vậy làm sao có thể cho họ thấy được khả năng thực sự? Ở đây, vai trò của chữ “P” = Product (sản phẩm) sẽ phát huy tác dụng của mình. Kiến thức bạn thực sự hiểu về sản phẩm của chính mình cũng như những nét độc đáo khác biệt so với sản phẩm của đối thủ sẽ là một trợ thủ đắc lực. Bên cạnh đó, nắm rõ được lợi thế bán hàng duy nhất USP (Unique Selling Proposition) cũng giúp thu ngắn lại con đường đi đến trái tim của khách hàng. Hãy vận dụng những kiến thức này khi xây dựng nội dung. Bên cạnh đó, kiến thức về thị trường cũng có thể giúp bạn có được những phân tích và luận điểm sắc bén khi thuyết phục khách hàng.
Thế nào là một website có nội dung tốt?
Bên cạnh hai yếu tố quan trọng trên, người viết nội dung website cần phải chú ý tới những yếu tố sau:
Định vị: Làm sao định vị được hình ảnh của công ty, sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng. Yếu tố này đòi hỏi người viết nội dung website phải có một chút am hiểu về định vị (Positioning) và truyền tải chúng thông qua ngôn từ và giọng văn.
Bán hàng: Người viết nội dung cũng cần nắm rõ các thủ thuật liên quan tới bán hàng khi xây dựng nội dung website như kỹ năng tạo sự quan tâm của khách hàng tới sản phẩm, dịch vụ (lead generation), kĩ năng kêu gọi hành động (call to action), hay giải quyết các từ chối của khách hàng (handling objections)…
Chăm sóc khách hàng: Website cũng là một công cụ chăm sóc khách hàng hiệu quả nếu biết tận dụng đúng cách. Khi xây dựng nội dung, cần phải tạo ra các chuyên mục hỗ trợ thông tin cho khách hàng trong quá trình sử dụng sản phẩm, dịch vụ; những hướng dẫn, chỉ dẫn khi khách hàng gặp sự cố; giải quyết các thắc mắc hay yêu cầu của khách hàng.
Đặt vào vị trí khách hàng khi xây dựng nội dung. Đây là điểm thiếu sót người làm nội dung thường mắc phải. Hãy đặt mình vào vị trí khách hàng, bạn sẽ biết cách phải tổ chức bố cục nội dung thế nào là hợp lý, liên kết nội dung ra sao để cung cấp thông tin một cách đẩy đủ và chính xác nhất cho khách hàng.
Tóm lại, khi xây dựng nội dung website, bên cạnh kỹ năng viết lách, người xây dựng nội dung cần phải có một kiến thức tổng quát về ngành nghề và lĩnh vực mình đang làm, hiểu rõ về đối tượng khách hàng, sản phẩm, dịch vụ, quy trình bán hàng và cả dịch vụ chăm sóc khách hàng. Và điểm cuối cùng cần nhớ là luôn đặt mình vào vị trí của khách hàng.
(Theo Saga.vn)