SPAM là gì? Như thế nào là SPAM?
Ở bài viết này, tôi sẽ đưa ra quan điểm và định nghĩa của mình về SPAM. Các bạn có thể đưa ra những ý kiến bổ sung thêm về vấn đề này. Trước hết chúng ta cùng tìm hiểu xem SPAM là gì?
SPAM là gì?
SPAM thật ra nguyên gốc là một từ viết tắt từ cụm từ Stupid Pointless Annoying Message(s). Dịch ra có nghĩa là Những thông điệp ngu ngốc, vô nghĩa và gây phiền toái. Nhìn vào cụm từ trên thì bạn thấy ba tính từ Stupid, Pointless, Annoying bổ nghĩa cho danh từ Message. Như vậy có nghĩa là nếu những thông điệp hội đủ ba yếu tố ngu ngốc, vô nghĩa và gây phiền toái thì sẽ được xem là SPAM.
Sau này từ SPAM không hẳn chỉ là một từ viết tắt mà trở thành một từ ngữ riêng để chỉ công việc tạo ra những SPAM và có thể xem như nó là một động và danh từ Spam.
Ngoài ra, còn có một định nghĩa khá hài hước và méo mó được mọi người chế ra là:
SPAM là chữ viết tắt của từ Serious Polite Attractive Manly. Dịch ra có nghĩa là nghiêm túc, lịch sự, lôi cuốn, nam tính. Đây chỉ là một định nghĩa hài hước và chế biến như để khuyên người đang SPAM hãy hướng tới điều này.
Như thế nào là SPAM?
Nhiều người đang bảo rằng người làm SEO hay SPAM bởi vì người làm SEO cần phải đi phổ biến nội dung của họ thông qua các liên kết từ các website khác, thậm chí còn có người bảo rằng SEO là SPAM. Hay thậm chí khi tôi đi gặp khách hàng mà nói về SEO thì nghe được những câu đại loại như: “À, là đi spam các nơi để website được lên hạng đấy hả?“. Tuy nhiên nói như vậy thì không đúng lắm, một phần là do chính cách làm SEO của đa phần mọi người chứ SEO bản chất không phải là SPAM. Mà SPAM không chỉ ở lĩnh vực SEO không mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Ở đây tôi sẽ nói riêng về SPAM trên Internet, quảng bá và mảng làm SEO.
1. Những hình thức của SPAM
SPAM hiện nay có những hình thức như sau:
SPAM trên mạng xã hội:
Một người cứ lặp đi lặp lại nhiều lần chỉ cùng một nội dung và một vấn đề gây phiền toái cho người dùng. Hoặc tham gia mạng xã hội chỉ một mục đích duy nhất là quăng những liên kết từ website của mình lên đó mà không nghĩ đến những tương tác khác và sự tiếp cận của người dùng. Hình thức này có thể nói như là đem con bỏ chợ.
Một điển hình nữa là khi bạn tham gia các diễn đàn thảo luận, trong một chủ đề thảo luận thì có nhiều người chỉ vào bình luận theo kiểu “hay quá”, “cảm ơn bạn”, “thua”, “bó tay”… với mục đích duy nhất là để lại những liên kết bên dưới hay chữ ký. Trong khi nếu bạn thật sự cảm ơn ai đó thì chỉ cần bấm vào nút Like, cảm ơn hay +1 cho họ. Việc bấm vào những nút này thậm chí còn nhanh hơn khi bạn gửi lên những thông điệp dạng như vậy. Hay đôi khi bạn cũng thấy có một số người không cần quan tâm bên trên người ta nói gì cứ tương cái thông tin dịch vụ mình vào mà hoàn toàn không có sự liên quan nào hết.
Còn nếu bạn quăng những liên kết phù hợp nội dung, dẫn người dùng vào những chủ đề, bài viết phù hợp cho những vấn đề người dùng đang thắc mắc hay đưa ra những bài viết cung cấp kiến thức, kinh nghiệm hay những bài nhật ký của bạn chia sẻ cho bạn bè thì không phải là SPAM. Hoặc khi bạn đưa ra những thông điệp, sự kiện, hay những trò chơi sáng tạo nào đó thư giãn để thu hút người dùng theo mục đích nào đó của bạn.
SPAM nội dung:
Hình thức SPAM nội dung là hình thức copy lại những nội dung của chính mình lên nhiều website rồi liên kết đến nội dung gốc để tạo sức mạnh cho nội dung gốc. Có nhiều webmasters đã tạo ra nhiều website vệ tinh và copy nội dung lên đó để đẩy cho website chính.
Cũng có một hình thức tương tự nhưng không hẳn là SPAM khi bạn muốn tiện lợi cho người dùng ở một mạng nào đó có thể đọc ngay bài viết. Nhưng tóm lại làm sao để phận biệt đâu là SPAM? Đó là những nội dung được phép, gửi vào những nơi phù hợp, bạn sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ người dùng đối với những thắc mắc với nội dung mà bạn gửi lên chứ không phải theo dạng cứ gửi lên với hình thức đem con bỏ chợ. Nếu như bạn cảm thấy không có nhiều thơi gian để hỗ trợ thì cần có những thông điệp phụ dẫn dắt người dùng quy về một mối để hỗ trợ dễ dàng hơn.
2. Bản chất SEO có phải là SPAM?
Việc SEO bằng phương pháp SPAM ngày nay nhan nhản và những người mới làm SEO truyền tai nhau giống như đó là một phương pháp SEO hữu hiệu. Đa phần những người làm SEO theo phương pháp SPAM là vì kiến thức SEO chưa đủ để áp dụng nhiều phương pháp khác.
Chính vì những người làm SEO theo phương pháp này quá đông mà cuối cùng người nhiều người đã đánh đồng việc Spam với các kỹ năng và thủ thuật phổ biến liên kết (link building). Có rất nhiều cách phổ biến liên kết một cách sáng tạo như thủ thuật Link Baiting (những thủ thuật sáng tạo để câu liên kết). Điều này đã gây khó khăn cho những người làm SEO nghiêm túc vì họ cũng bị đánh đồng với việc Spam. Điển hình như người dùng hiện nay hễ cứ thấy ai quăng link ra thì cho rằng đó là Spam. Theo tôi đây là một sự lầm lẫn của nhiều người.
Trên mạng xã hội Facebook, đã có không ít những bạn của tôi cũng cho rằng SEO là SPAM.
Google vô tình tạo ra lực lượng spam kinh khủng. Từ ngày có cái nghiệp SEO, tất cả các trang web đi đâu cũng thấy toàn lũ spam. Các admin, smod, mod của các diễn đàn suốt ngày cứ del, move, ban, nick,… mệt cả người.
Đã đảo google! Làm cho nội dung số không được nhiều hơn mà lại làm cho nội dung bị trùng lặp nhiều hơn.
Đúng là Google đã vô tình tạo điều này, nhưng không phải vì thế mà đánh đồng với người làm SEO chân chính. Như tôi cũng đã có một lời bình luận giải thích:
Cái đó là do người ứng dụng, sao trách Google được. Bản thân Google cũng phải ngày đêm nghiên cứu chống SPAM. Giờ không có Google thì cũng đến Bing và Facebook thôi. Nút Like trên FB cũng có tác dụng trên Bing y hệt +1 của Google. Khi được Like cũng tăng thứ hạng giống vậy. Đã đảo luôn Facebook, Bing đi cho công bằng.
Câu cuối cùng trong đoạn trích trên là tôi nói đùa cho vui nhà vui cửa. Nhưng không phải về thế mà tẩy chay những nhà cung cấp cỗ máy tìm kiếm đã đem đến nhiều lợi ích cho người dùng. Không có dịch vụ này rồi thì cũng đến dịch vụ khác bị lợi dụng và SPAM.
Cá nhân tôi cũng không cho rằng SEO là SPAM, và cũng chính Matt Cutts đang làm việc tại Google cũng nói điều này.
3. SMO có phải là SPAM?
Cũng tương tự như SEO, người làm SMO cũng bị đánh đồng với SPAM. SMO là những thủ thuật để bạn tương tác với cộng đồng thông quan mạng xã hội, từ đó tiếp cận và hướng người dùng đến với sản phẩm của bạn. Hoặc khi bạn ứng dụng mạng xã hội như một công cụ để hỗ trợ và tư vấn cho khách hàng của mình về sản phẩm, dịch vụ mà công ty bạn cung cấp. Đưa ra những nhận định, đánh giá, kiến thức giúp ích cho người dùng thì đối với tôi không xem đó là SPAM. Nói tóm lại là bạn có trách nhiệm đối với những gì mình làm để hỗ trợ người dùng khi đưa ra một cái gì đó thì không gọi là SPAM.
Đã không ít lần tôi cũng hay bị cho rằng là Spam nhưng cá nhân tôi lại không nghĩ vậy. Tôi thường hay viết bài và chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm của mình cho cộng đồng. Vì thế tôi hay gửi các bài viết của mình để giới thiệu cho bạn bè hay những người quan tâm. Nếu không đưa link lên thì tôi phải làm gì? Chẳng lẽ phải viết trực tiếp lên Google+ hay Facebook,… rồi copy và paste để chia sẻ ở những mạng mà tôi tham gia? Thường các bài viết hay những cập nhật trên mạng xã hội sẽ bị trôi đi rất nhanh trong vòng một vài ngày và ngay cả chính bạn đôi khi cũng khó tìm lại được những bài viết cũ của tôi. Vì thế phương pháp tốt nhất là viết trên blog của tôi rồi chia sẻ liên kết đến với cộng đồng.
Khi công ty tôi dự định mở một lớp đào tạo SEO miễn phí và gửi lên Google+ để tạo điều kiện và cơ hội cho những bạn mới bắt đầu tìm hiểu về SEO hoặc những bạn muốn theo nghề làm SEO trong tương lai mà chưa biết gì về nó. Chủ đề đó đã được nhiều người chia sẻ cho người khác để biết thông tin và đã nhảy vào mục Hot của Google. Trong đó có một người đã bình luận bảo rằng ghét quảng cáo và tẩy chay quảng cáo. Cá nhân tôi thấy vậy là không phải, bởi vì khi bạn kinh doanh mà không quảng cáo thì làm sao tiếp cận được với người dùng và làm sao người dùng có thể biết đến sản phẩm, dịch vụ của bạn. Hay không có doanh thu từ những quảng cáo thì làm sao Google có thể có kinh phí cung cấp cho các dịch vụ miễn phí cho người dùng? Vì vậy mà không nên đánh đồng mọi thứ và tẩy chay mà quan trọng là cách làm như thế nào, có gây phản cảm hay không.
Với bài viết này, tôi hi vọng rằng nhiều người sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn để phân biệt được như thế nào là SPAM với những phương pháp quảng bá có nghệ thuật và giúp ích cho mọi người.
Còn bạn thì sao? Bạn quan niệm về SPAM như thế nào? Hãy cùng chia sẻ ý kiến của bạn với tôi bằng cách gửi bình luận tại bài viết về SPAM trên blog của tôi.
www.vietsol.net
* Nếu bạn muốn thảo luận hay thắc mắc về các vấn đề liên quan, xin vui lòng vào bài viết trên blog của tác giả và gửi bình luận.